Dấu hiệu đầu tiên cho thấy mọi thứ sẽ không diễn ra như kế hoạch trong ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến từ một nhóm nhà báo Rumania.
Hôm 11/7, họ rời khỏi trung tâm truyền thông chính tại hội nghị để tới đưa tin cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Rumania Klaus Iohannis, nhưng một lát sau quay lại và thông báo cuộc họp bị hủy bỏ. Cuộc gặp trước đó giữa Trump và lãnh đạo Azerbaijan cũng đã bị hủy. Các cuộc hội đàm được lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Ukraine và Gruzia cũng bất thành, theo Guardian.
Có chuyện gì đó đang được dự tính. Trump, con người khó đoán, dường như sắp bắt đầu cơn thịnh nộ khi biến chương trình nghị sự được chuẩn bị kỹ càng của NATO thành một mớ hỗn loạn.
Tối 11/7, các lãnh đạo NATO bắt đầu hy vọng rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Trước đó vài giờ, Trump đã có bài phát biểu nhắm vào Đức, cáo buộc nước này không chi trả đủ tiền cho quốc phòng và trở thành "con tin" của Nga khi dựa dẫm quá nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng từ Moskva.
Trong một loạt cuộc gặp riêng sau đó, Trump có vẻ điềm tĩnh và hòa nhã hơn, đặc biệt trong bữa tối với các lãnh đạo khác. "Phải nói rằng không khí trong bữa tối qua rất cởi mở, mang tính xây dựng và rất tích cực", Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarović nói với các phóng viên vào sáng hôm sau.
Nhìn bề ngoài, chương trình nghị sự cho ngày 12/7 dường như khó có khả năng đẩy cuộc đối đầu với Trump đi xa hơn. Chương trình bao gồm cuộc thảo luận thường kỳ về nỗ lực gia nhập NATO của Gruzia và Ukraine cũng như cuộc chiến của NATO tại Afghanistan.
Theresa May, Angela Merkel, Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo khác đã có mặt khi cuộc họp bắt đầu lúc 8h45 sáng 12/7, nhưng Trump vẫn chưa tới.
Không mấy hứng thú với các cuộc thảo luận chi tiết như vậy, Tổng thống Mỹ đã đến muộn và đem theo một chương trình nghị sự khác.
Phớt lờ cuộc thảo luận về Gruzia và Afghanistan, Trump đi thẳng vào vấn đề. Tổng thống Mỹ nói rằng những người tiền nhiệm của ông ở Nhà Trắng đã tìm cách thúc đẩy châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và ông sẽ không từ bỏ mục tiêu này.
Bỏ qua những nghi thức ngoại giao thông thường, Tổng thống Mỹ chỉ tay về phía Thủ tướng Đức, người ông không ưa cả về cá nhân lẫn chính sách, và nói: "Bà, Angela".
"Ông ấy nói họ phải tăng chi tiêu quốc phòng vào tháng 1/2019 hoặc Mỹ sẽ đi đường riêng của mình", một nguồn tin thuật lại với Reuters về phát biểu của Trump.
Tất cả đại biểu "chết lặng" sau tuyên bố gây choáng váng đó. Họ dường như không thể tưởng tượng được một tổng thống Mỹ lại đe dọa rút khỏi liên minh quân sự mà Mỹ luôn coi là nền tảng trong chiến lược quốc phòng của mình trong suốt 69 năm qua.
Mọi người dường như không tranh cãi về câu từ trong tuyên bố của Trump, mà là cách diễn giải nó. Reuters lúc đầu đưa tin Trump đe dọa rời bỏ NATO, nhưng sau đó gỡ bỏ thông tin này. Tổng thống Pháp Macron thì khẳng định đó không phải ý của Trump.
Tuy nhiên, tối hậu thư mà Trump đưa ra là rất rõ ràng. Các lãnh đạo châu Âu, những nước chưa từng thực hiện mức đóng góp 2% GDP vào ngân sách NATO, đang thảo luận về việc đạt được mục tiêu này từ bây giờ, không phải đợi đến tháng 1 năm sau.
Trước các phản ứng hốt hoảng trong phòng họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Các lãnh đạo Afghanistan và Gruzia được yêu cầu rời đi vì không phải là thành viên của NATO. Yêu cầu của Tổng thống Mỹ về việc tăng đóng góp cho ngân sách quốc phòng của khối được ưu tiên hơn việc Ukraine và Gruzia gia nhập NATO hay cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan.
Cuộc họp sau đó đổ bể khi Stoltenberg và các lãnh đạo châu Âu khác không thể đưa ra bất cứ sự nhượng bộ nào.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (thứ tư từ trái sang, hàng đầu) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 11/7. Ảnh: Xinhua. |
Một loạt cuộc họp báo đã được lên lịch với các lãnh đạo châu Âu đều bị hủy bỏ khi họ nhanh chóng ra thẳng sân bay sau hội nghị. Văn phòng Thủ tướng Anh khẳng định bà May chưa từng có ý định tổ chức họp báo, mặc dù một cuộc phỏng vấn với bà đã được lên lịch trên mạng truyền hình nội bộ của NATO và một số nhà báo đã chờ đợi tại phòng họp.
Trong khi đó, Trump lại tổ chức cuộc họp báo bất thường trong 35 phút. Tại đây, ông ca ngợi sự thành công của hội nghị thượng đỉnh, tán dương NATO, khẳng định mối quan hệ tốt với các lãnh đạo khối và tuyên bố rằng họ đã đồng ý tăng đáng kể đóng góp cho ngân sách quốc phòng, dù lãnh đạo các nước chưa đi đến phương án thống nhất nào.
Ngay sau khi rời Brussels, Trump đăng lên Twitter đoạn video ngắn ghi lại những điểm nổi bật của hội nghị thượng đỉnh NATO. Hình ảnh những lá cờ, đoàn xe hộ tống, sự chào đón của Tổng thư ký NATO Stoltenberg, các lãnh đạo ngồi thảo luận trong không khí hữu hảo rồi cùng đứng chụp ảnh nhóm và cái vẫy tay tạm biệt tại buổi họp báo trong đoạn video dường như cho thấy một hội nghị thành công rực rỡ, khác xa những hỗn loạn trong thực tế.
Đoạn video không đề cập đến yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng. Kèm theo video, Trump viết: "Cảm ơn @NATO 2018!".
(Theo Vnexpress)